OVN – Sản xuất trái cây theo hướng hữu cơ đang được nhà vườn tỉnh Trà Vinh hướng đến, đặc biệt là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 sẽ có khoảng 800 ha bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP, tập trung tại các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Châu Thành và Thành phố Trà Vinh.
Lợi thế của trồng bưỡi da xanh
Trà Vinh hiện có hơn 18.000 ha vườn cây ăn trái, với nhiều loại quả đặc sản có giá trị kinh tế khá cao, có thể xuất khẩu như xoài, nhãn, chuối, cam, bưởi da xanh,… Nhưng, đến nay, toàn tỉnh có chưa tới 300 ha cây ăn trái sản xuất theo hướng hữu cơ đạt chuẩn Viet- GAP (gồm: chôm chôm, bưởi da xanh, cam sành, măng cụt, quýt đường và dừa sáp).
Trong cùng thời điểm khi nhiều loại trái cây sản xuất theo kiểu truyền thống (dùng phân và thuốc bảo vệ thực vật hóa học) giá lên – xuống thất thường, được mùa mất giá, thì những khu vườn sản xuất theo phương thức canh tác hữu cơ, hoặc theo tiêu chuẩn VietGAP đầu ra luôn ổn định, lợi nhuận đạt cao. Trước đây, người dân không có thói quen ghi chép nhật ký canh tác.
Nhưng nay họ đã quen và nhận thấy việc làm này rất có lợi. Chẳng hạn, hết một đợt, mở sổ ra sẽ biết được chính xác liều lượng phân bón, phun thuốc…, tính được chi phí khá chính xác. Nhờ vậy, sẽ tiết kiệm được tiền phân thuốc, năng suất vẫn giữ nguyên. Trong khi đó, đầu ra khá thuận lợi, doanh nghiệp tìm đến tận vườn kí hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường 5.000 – 10.000 đồng/kg. Chỉ cần vài ngàn m2 trồng bưởi da xanh sản xuất theo chuẩn VietGAP, thì nhà vườn có thể thu lãi ổn định cả trăm triệu đồng/năm.
Quả bưởi da xanh được ưa chuộng bởi có vị ngọt thanh, ít chua và có mùi thơm đặc trưng. Không chỉ chứa nhiều vitamin và khoáng chất, quả bưởi da xanh còn chứa các hoạt chất đặc biệt giúp phòng ngừa một số loại bệnh nguy hiểm cho người. Không chỉ là trái cây dinh dưỡng, bưởi da xanh còn được dùng làm quà biếu vào những dịp lễ, Tết vô cùng giá trị và ý nghĩa.
Chính vì vậy, nhu cầu tiêu thụ bưởi da xanh đang rất lớn, không chỉ thị trường trong nước mà còn có tiềm năng xuất khẩu rất lớn. Bưởi da xanh là một trong những giống cây ăn quả có nhiều ưu thế phát triển trong điều kiện môi trường và thổ nhưỡng tại vùng đất này. Trà Vinh có hệ thống sông rạch chằng chịt, địa hình thấp và bằng phẳng, đất đai màu mỡ và khí hậu mát mẻ, ít bị ảnh hưởng bởi lũ, bão là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây trồng, trong đó có cây bưởi.
Ngoài ra, trình độ canh tác của người nông dân tại địa phương đã có bước tiến bộ rõ rệt. Theo điều kiện thời tiết, họ đã có thể điều chỉnh cho cây bưởi ra hoa và kết trái rải vụ quanh năm, để phục vụ cho nhu cầu thị trường.
Sự quan tâm của chính quyền địa phương
Tỉnh Trà Vinh đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy xây dựng vùng cây ăn trái đặc sản theo quy trình VietGAP hay GlobalGAP: khuyến khích lựa chọn một số loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao thực hiện. Cụ thể, đối với vườn cây ăn trái, tỉnh hỗ trợ cá nhân 6 triệu đồng/ha năm đầu tiên, 3 triệu đồng/ha năm thứ 2; hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác 12 triệu đồng/ha năm đầu tiên và 4 triệu đồng/ha năm thứ 2 khi áp dụng quy trình canh tác tiến bộ.
Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất cây giống chất lượng cao, xây dựng cơ sở thu mua, chế biến và xuất khẩu… hướng đến mục tiêu nâng giá trị sản lượng cây ăn trái đặc sản đạt mức thu nhập bình quân 170 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh đã đồng hành cùng ngành nông nghiệp trong việc hỗ trợ nhà vườn sản xuất theo chuẩn an toàn, tạo ra các sản phẩm đảm bảo về chất lượng, tạo lợi thế cạnh tranh giữa các sản phẩm với nhau và tạo thu nhập ổn định cho nông dân.
Trái bưởi da xanh tại vườn của hộ gia đình tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh |
Hiện nay, trái cây được canh tác theo hướng đảm bảo chất lượng và tiêu chí an toàn được nhiều nước quan tâm, nhất là ở châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản,… Các thị trường này đặt ra các tiêu chuẩn quy định để buộc sản phẩm nông nghiệp của các quốc gia đạt tiêu chuẩn ngon, an toàn trước khi vào thị trường của họ. Cho nên, việc sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng luôn luôn tạo ra sản phẩm được thị trường đón nhận. Đó là con đường mà nông dân phải hướng đến nếu muốn phát triển bền vững và được thị trường nhập khẩu chấp thuận.
Có thể thấy, sản phẩm bưởi da xanh được phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã khẳng định được uy tín và chất lượng của sản phẩm. Tuy vậy, cho đến nay, sản phẩm này vẫn chưa được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý (mã vùng trồng) khiến cho giá cả sản phẩm chưa thật sự tương xứng với chất lượng và giá trị.
Cần thiết xây dựng thương hiệu bưởi da xanh
Tính đến thời điểm này sản phẩm bưởi da xanh của Trà Vinh vẫn chưa có được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý nên việc đưa sản phẩm ra tiêu thụ trên thị trường chưa phát triển đúng với tiềm nẵng sẵn có; thậm chí, khi đến tay người tiêu dùng, sản phẩm không còn được biết đến có nguồn gốc từ Trà Vinh nữa.
Công ty S&D INVEST tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Bưởi da xanh Trà Vinh” |
Vì vậy, tháng 12 năm 2022, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quyết định số 2336/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển tài sản trí tuệ Đăng ký bảo hộ, quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận “Trà Vinh” cho sản phẩm bưởi da xanh của tỉnh Trà Vinh và Công ty TNHH Nghiên cứu và Đầu tư S&D được lựa chọn là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bưởi da xanh Trà Vinh được thực hiện sẽ góp phần bảo vệ danh tiếng, chất lượng sản phẩm bưởi da xanh của tỉnh, tránh bị lạm dụng hoặc giả mạo, giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn đúng sản phẩm chất lượng.
Việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng thương hiệu bưởi da xanh, Trà Vinh không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương, mà còn góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh Trà Vinh về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo Nghị quyết số 80/2019/NQ- HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, Kế hoạch thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2020 – 2030 •
Nguồn: Tạp chí Làng nghề Việt Nam